Tại chặng đua Tuscan GP ở trường đua Mugello cách đây 2 tuần, trưởng đội đua Red Bull Christian Horner thông báo về tư cách của đội đua AlphaTauri, từ giờ sẽ là “đội đua chị em, thay vì chỉ là đội đua cấp dưới” của Red Bull Racing. Đó là sự lựa chọn từ ngữ khá thú vị khi nó sẽ thay đổi cách vận hành của 2 đội đua cùng một "công ty mẹ" này.
Toro Rosso hình thành từ gốc Minardi trước đây
Lịch sử mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên
Dietrick Mateschitz, đồng sáng lập và đang nắm giữ 49% cổ phần công ty nước tăng lực Red Bull, đã mua lại đội đua Minardi vào cuối năm 2005, đổi tên thành Toro Rosso và bắt đầu tham dự mùa giải đầu tiên vào năm 2006. Đội đua được tạo ra với mục đích trao cơ hội cho những tay đua trẻ nhiều tiềm năng ở đội trẻ của Red Bull chứng minh về khả năng của mình để từ đó giành được một vị trí chính thức của đội ‘A’ Red Bull.
Kế hoạch này đã đem lại rất nhiều thành công lớn trong gần 15 năm qua. Sebastian Vettel đã "tốt nghiệp" xuất sắc và mang lại cho “Bò húc” 4 chức vô địch cá nhân và đội đua liên tiếp.
Daniel Ricciardo và Max Verstappen cũng là hai "học sinh" ưu tú khi họ đã đóng góp thêm 16 chiến thắng trong kỷ nguyên hybrid turbo hiện tại. Sau đó đến lượt Pierre Gasly, nhà vô địch GP2 Series năm 2016 cũng mới trở thành người chiến thắng tại Formula 1 với chiến thắng nhiều cảm xúc tại Italian GP 2020.
Về cơ bản, Red Bull và Toro Rosso có mối quan hệ rất gần gũi, cho phép Toro Rosso sử dụng phiên bản chiếc xe Red Bull mùa giải trước cho mùa giải kế tiếp (luật trước đây cho phép điều đó), trước khi trở thành một đội đua thực thụ từ năm 2010. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hai bên đã quay trở lại mối quan hệ gần gũi ban đầu với lý do về hiệu năng xe và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Honda – yếu tố dẫn đến sự thay đổi
Toro Rosso bắt đầu sử dụng động cơ Honda từ năm 2018 để thử nghiệm tính hiệu quả cho chính Red Bull, là dấu hiệu đầu tiên của kế hoạch thay đổi tư cách của đội. Giữa hai bên xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp trong năm đầu tiên hợp tác, và khi Red Bull gia nhập cuộc chơi năm 2019, đội đua đến từ đại bản doanh Faenza không phải chịu bất cứ thiệt thòi nào.
Thỏa thuận giữa Honda và cả 2 đội đua là tương đương nhau và Red Bull còn cung cấp thêm hộp số cùng các bộ phận của hệ thống thủy lực và điện tử liên quan thuộc chiếc xe mùa giải trước của họ.
Sự tương đồng giữa chiếc AT01 (2020) và RB15 (2019)
Ngoài ra, hệ thống treo trước trên chiếc RB15 (2019) cũng được cung cấp cùng với sự phối hợp với bộ phận phát triển công nghệ tiên tiến của Red Bull (Red Bull Advanced Technologies) để hỗ trợ các hệ thống nhiên liệu, phanh và đánh lái. Sự thay đổi về tên gọi AlphaTauri năm nay cũng như để thúc đẩy cho một bộ mặt mới của đội đua, sớm thoát khỏi cái mác “đội trẻ của Red Bull”. Khát vọng vươn lên của họ lớn hơn rất nhiều so với thời còn là Toro Rosso.
Trong bối cảnh khó khăn về tài chính do tình hình đại dịch COVID-19 mang lại, việc chia sẻ tài nguyên nếu có thể để có được sự hiệu quả cao nhất là điều cần được đặt lên hàng đầu.
Bước ngoặt hợp tác với Honda kể từ năm 2018
“Đội đua đã vươn tầm trong những năm vừa qua, chúng tôi đã cải thiện hiệu năng tốt hơn, chiếc xe cũng có độ bền cao hơn và sự hợp tác với Red Bull Technology là rất tích cực và sự hợp lực đó mang lại cho chúng tôi rất nhiều lợi thế, tất cả mọi thứ theo quy định của Luật”, trưởng đội đua AlphaTauri Franz Tost chia sẻ.
Những bước tiếp theo
AlphaTauri sẽ được sử dụng hầm gió của Red Bull tại trụ sở Bedford kể từ mùa giải tới. Điều này có được là nhờ vào việc ban hành những giới hạn thử nghiệm khí động học cho năm 2021. Thời gian thử nghiệm trong hầm gió sẽ được giảm xuống, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thời gian trống cho AlphaTauri, đội đua đang sử dụng hầm gió tại Bicester, để tận dụng nó.
Đây sẽ là một lợi thế lớn cho họ bởi AlphaTauri là đội duy nhất trong số 10 đội đua hiện tại sử dụng mô hình 50% kích cỡ thật để thử nghiệm trong hầm gió trong khi các đội đua khác sử dụng 60%. Với sự đổi mới đó sẽ giúp họ thu thập được những dữ liệu có chất lượng cao hơn nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển xe bền bỉ và có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.
AlphaTauri trong tương lai muốn có thêm nhiều kỳ tích như tại Monza
Một thỏa thuận giữa các đội quy định về những điều được và không được phép liên quan đến sự hợp tác, sau khi vụ việc lùm xùm liên quan đến ống phanh của Racing Point xảy ra. Thỏa thuận đó kết hợp với hướng đi mới của AlphaTauri sẽ khiến các chiếc xe F1 có những diện mạo khác nhau hơn nhiều kể từ năm 2022, khi các quy chuẩn sẽ có sự thay đổi lớn.
Dù không ít các chi tiết, bộ phận bên trong chiếc xe AlphaTauri sẽ có nguồn gốc từ Red Bull – giống cách mà Haas tiếp nhận các chi tiết từ Ferrari – nhưng ở vẻ bên ngoài, AlphaTauri sẽ có nhiều khác biệt. Về mặt khí động học, họ phải tự thiết kế cũng như phát triển nên về mặt trực quan, ta sẽ không thấy được sự tương đồng giữa 2 bên.
Với quy định cắt giảm chi tiêu mới, phần bên ngoài chiếc xe sẽ trông tinh xảo hơn và họ sẽ dồn nhiều chi phí vào thiết kế và phát triển, cũng như thu thập dữ liệu chất lượng hơn từ hầm gió mới.
Tost khao khát có thể về đích hạng 5 chung cuộc trên BXH đội đua, và nếu tiếp tục đi trên con đường này, tận dụng triệt để những cơ hội "vàng" như tại Monza vừa qua để giành chiến thắng thì việc đạt được mục tiêu đó sẽ đến sớm với họ. Từ đó Franz Tost có thể tự tin mơ về top 4 trong một tương lai không xa.
Triết lý sử dụng tay đua
AlphaTauri đang có một đội hình nhiều kinh nghiệm nhất trong lịch sử với Pierre Gasly và Daniil Kvyat, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không trao cơ hội cho các tay lái trẻ. Dù tư cách đội có đổi thay nhưng mục tiêu của họ vẫn giữ nguyên trong việc mang lại các cơ hội thử nghiệm những nhân tố mới – giám sát bởi Tost – từ hệ thống trẻ của “Bò húc”.
AlphaTauri sẽ không chính thức quyết định về đội hình đua mùa giải tới cho đến sớm nhất là tháng 11 và hiện tại không rõ liệu các tay lái trẻ có đủ khả năng để tích lũy đủ điểm superlicence nhằm tham dự tại F1 hay không.
Yuki Tsunoda – tay lái trẻ của Honda đang đua tại giải F2
Red Bull đang đánh giá khả năng của tay lái được Honda hỗ trợ, Yuki Tsunoda, người đang có phong độ tương đối ổn định ở giải Formula 2 với vị trí thứ 6 trên BXH. Tay lái 20 tuổi dự kiến sẽ tham dự đợt test sau mùa giải tại Abu Dhabi cho AlphaTauri. Dù vậy Tsunoda cần phải nằm trong top 3 chung cuộc mùa giải F2 2020 mới ghi đủ điểm để đua tại F1. Với tình hình đó, duy trì đội hình hiện tại là phương án khả dĩ nhất cho đội đua nước Ý.
Nếu như chiến thắng vừa qua tại Monza được coi như “câu chuyện cổ tích” cho AlphaTauri, thì với những kế hoạch tiếp theo họ đang kỳ vọng thành công đó có thể diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai. McLaren, Renault hay Racing Point cũng đều có mục tiêu tương tự, và điều đó sẽ giúp F1 cân bằng hơn trong các năm phía trước.
0 Nhận xét